Không có một tập thể nào là không xảy ra mâu thuẫn, đặc biệt là ở công ty. Nơi có quá nhiều nhân sự làm việc cùng nhau. Nếu mâu thuẫn giữa những nhân viên với nhau đã rắc rối thì những tình huống mâu thuẫn giữa sếp và nhân viên lại càng phức tạp hơn.
Nếu bạn là sếp, việc thường xuyên xảy ra mâu thuẫn với nhân viên sẽ khiến môi trường làm việc trở nên căng thẳng, hiệu quả công việc cũng vì thế mà giảm sút, gây tổn thất cho công ty.
Mặc dù không phải mâu thuẫn nào xuất hiện cũng mang yếu tố tiêu cực. Sẽ có nhiều mâu thuẫn xảy ra mang đến những lợi ích cho công việc. Tuy nhiên, giải quyết trong hòa bình vẫn là lựa chọn nên được ưu tiên.
Những nguyên tắc trong giải quyết mâu thuẫn
Để ngăn chặn những mâu thuẫn trong công ty là điều rất khó. Đặc biệt là những mâu thuẫn liên quan đến quyền lợi và lợi ích của nhân viên lại càng khó để loại bỏ. Lúc này, mấu chốt của vấn đề sẽ nằm ở khả năng quản trị, xử lý những vấn đề xảy ra của nhà lãnh đạo.
Nếu bạn là sếp, bạn cần nắm vững những nguyên tắc sau:
- Biết lắng nghe ý kiến từ nhân viên
Là một người quản lý, bạn cần biết lắng nghe những ý kiến của nhân viên. Có thể những ý kiến đó là sai hoặc trái ngược với quan điểm của bạn. Tuy nhiên, biết lắng nghe sẽ giúp nhân viên của bạn bộc lộ những quan điểm của mình cũng như chịu tiếp thu những ý kiến, nhận xét từ bạn.
Trong môi trường làm việc ở Việt Nam, nhiều nhà lãnh đạo vẫn luôn giữ quan điểm “sếp luôn luôn đúng”. Cho nên, họ không cho nhân viên bất kỳ cơ hội nào được nêu ra ý kiến cũng như bày tỏ quan điểm của bản thân. Lâu dần dẫn đến tình trạng “bằng mặt không bằng lòng”. Họ làm việc với tinh thần đối phó cùng với thái độ chán nản, gây ảnh hưởng đến năng suất, sự sáng tạo.
Việc bạn chịu lắng nghe những ý kiến từ nhân viên sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn những vấn đề mà họ gặp phải. Từ đó đưa ra giải pháp phù hợp nhất cho những tình huống mâu thuẫn giữa sếp và nhân viên.
- Biết thấu hiểu với nhân viên
Sau khi đã lắng nghe ý kiến, quan điểm của nhân viên. Bạn nên đặt bản thân mình vào vị trí đó, phân tích xem nguồn gốc của mâu thuẫn này là ở đâu. Xuất phát từ mục đích xây dựng cho công việc hay là xung đột do lợi ích cá nhân. Bạn hãy thử nghĩ xem, sau xung đột này, người nhân viên đó muốn gì? Họ sẽ được lợi ích gì từ cuộc xung đột này? Và công ty có được lợi từ cuộc xung đột này hay không?… Ngoài ra, bạn hãy thử nghĩ thoáng hơn xem rốt cuộc trong mâu thuẫn này, bản thân có thật sự đúng. Việc chịu thừa nhận cái sai không khiến bạn mất điểm mà ngược lại, nhân viên sẽ nhìn bạn với một ánh mắt ngưỡng mộ đấy nhé.
Việc bạn dám dũng cảm đối diện trực tiếp với mâu thuẫn không những giúp triệt để loại bỏ mà còn là cơ hội tìm ra những cá nhân tích cực, tài năng và mang đến nhiều lợi ích cho công ty. Ngoài ra, đây còn là cơ hội tốt để bạn học hỏi thêm từ nhân viên của mình. Bởi vì trong một số lĩnh vực, đôi khi bạn cần phải học hỏi từ nhân viên của mình đấy.
Những tình huống mâu thuẫn giữa sếp và nhân viên xảy ra là chuyện rất phổ biến trong công ty. Điểm mấu chốt là bạn có ý định giải quyết, loại bỏ nó hay không mà thôi. Tuy nhiên, bạn cần nhìn nhận đúng hậu quả có thể xảy ra khi bỏ qua mà không giải quyết triệt để. Bởi vì mục đích cuối cùng là mang lại lợi ích cho công ty.