Được làm những công việc mà mình yêu thích là một điều may mắn. Thế nhưng, đến một lúc nào đó bạn cảm thấy bế tắc, chán chường trong chính những công việc ngày hàng của mình. Vậy phải làm thế nào để vượt qua giai đoạn bế tắc trong công việc và tìm lại niềm say mê, nhiệt huyết lúc ban đầu?
Có những thời điểm, bạn cảm thấy mọi thứ trong công việc đều trở nên mơ hồ, lộn xộn và không có tương lai. Bạn nghi ngờ vào chính khả năng của mình cũng như khả năng phát triển với công việc. Nhưng bạn cũng hiểu rằng, “từ bỏ” trong thời điểm này không phải là một phương án hay, vì bạn không thể chắc chắn mình có thể tìm được một công việc khác phù hợp hơn.
Vì vậy, tìm ra những giải pháp vượt qua giai đoạn này là điều cần thiết. Và dưới đây là một số lời khuyên dành cho bạn:
- Tìm ra nguyên nhân bế tắc trong công việc
Bạn không thể đổ lỗi cho công việc đã gây nên tình trạng bế tắc này, mặc dù đó có thể là lý do thực sự. Thế nhưng, có rất nhiều người ngoài kia vẫn đang cảm thấy tốt với những công việc tương đồng như bạn, đó cũng là sự thật. Thay vào đó, bạn hãy suy nghĩ thật kỹ về những mong muốn của bản thân đối với công việc và thế mạnh của bạn. Từ đó có thể tìm thấy lý do thực sự. Ví dụ như bạn đã làm công việc này trong một thời gian dài, bạn muốn thay đổi một công việc mới hay những thử thách khó hơn. Hoặc bạn muốn được đề bạt lên một vị trí cao hơn mà bạn xứng đáng.
- Cho bản thân được “thở” và nạp năng lượng
Có thể vì công việc quá nhiều áp lực, căng thẳng trong suốt một thời gian dài khiến bản thân của bạn bị “hụt” hơi và ngộp thở. Hãy có những khoảng nghỉ hợp lý giữa thời gian làm việc, ví dụ như đi bộ một vòng quanh văn phòng làm việc. Chính cách này sẽ khiến hiệu quả công việc của bạn tốt hơn đấy.
Ngoài ra, sau những dự án thành công hoặc sau một thời gian làm việc, hãy xin nghỉ phép và dành cho bản thân một kỳ nghỉ, có thể đi xa hoặc đi gần tùy ý. Nó sẽ giúp bạn nạp lại năng lượng cũng như lấy lại tinh thần làm việc.
- Lấy lại cảm hứng làm việc
Trong suốt một thời gian dài, bạn phải lao đầu vào những dự án, áp lực công việc khiến cảm hứng đối với công việc dần mất đi. Khi cảm thấy bản thân đang gặp bế tắc trong công việc, hãy dành những khoảng thời gian suy nghĩ lại xem tại sao mình lại lựa chọn công việc này. Như vậy, phần nào năng lượng thuở ban đầu sẽ được khơi gợi lại trong bạn. Tin tôi đi.
Ngoài ra, tìm đọc một vài quyển sách, trang blog hay website truyền cảm hứng, nó sẽ thật sự hiệu quả đấy.
- Dành không gian cho những sở thích cá nhân khác
Đôi khi vì quá tập trung vào một công việc trong suốt một thời gian dài khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, từ đó hiệu quả công việc cũng dần sa sút. Cho nên, ngoài công việc chính, hãy dành thời gian cho những sở thích cá nhân khác của bản thân.
Ví dụ như bạn thích trồng cây, vậy thì hãy dành một khoảng không gian ở ban công và tạo một khu vườn nhỏ. Bạn có thể chăm sóc cho nó bất cứ lúc nào. Và bạn sẽ thấy tác dụng của việc này. Tâm hồn, tinh thần của bạn sẽ được cải thiện một cách đáng kể đấy.
- Đề xuất những thay đổi cho công việc của bạn
Nếu bạn cảm thấy mình đã làm công việc này trong một khoảng thời gian dài rồi. Và bản thân có đủ năng lực để được giao một công việc mới khó hơn hay lên một vị trí cao hơn. Đừng ngần ngại và hãy đề cập vấn đề này với cấp trên. Tuy nhiên, hãy nhớ chuẩn bị cho mình một bản kế hoạch đề xuất thật chi tiết, cho thấy bản thân có khả năng như thế nào, có thể mang đến những lợi ích cho công ty ra sao nhé.
Lấy lại cũng như duy trì cảm hứng trong công việc không phải là điều dễ dàng, đặc biệt là khi những mục tiêu bạn đặt ra vẫn chưa hoàn thành. Thế nhưng cũng đừng quá đặt nặng vào việc phải hoàn thành mục tiêu ban đầu. Bởi vì cuộc sống của mỗi người đều sẽ có những lúc thăng trầm lên xuống khác nhau. Việc vẫn giữ được niềm đam mê của bản thân sẽ giúp bạn tìm thấy con đường mình nên đi một cách tốt nhất.
Còn nếu như bạn thấy mình đang bế tắc trong công việc, hãy thử cố gắng với những gợi ý ở trên. Nó sẽ thật sự có ích với bạn đấy.